399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Văn hóa
  • Loay hoay bảo tồn làng Đông Ngạc

Loay hoay bảo tồn làng Đông Ngạc

Hơn 10 năm xây dựng Đề án, sau 4 lần đổi tên, ngôi làng sở hữu nhiều giá trị cổ ở quận Bắc Từ Liêm vẫn được gọi với cái tên quen thuộc là làng Đông Ngạc, và nay cũng chỉ mới bắt đầu hé mở phương thức bảo tồn.
Song, phương pháp ấy có thật sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống đô thị hiện đại, lại là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý.
Nguy cơ xóa sổ làng văn hiến

Về Đông Ngạc hôm nay, du khách vẫn được chiêm ngưỡng nét cổ xưa còn lưu lại trên lối đi lát gạch nghiêng, rêu phong trên cổng ngõ, trên bia đá chùa xưa, trên kiến trúc đình làng đầy hoa mỹ và trong cả nếp sống tảo tần từ ngàn xưa. Song, bên cạnh đó cũng là tiếng nhạc ngoại, nhạc chế xập xình phát ra từ những ngôi nhà kiến trúc hiện đại, những công trình "nhái" kiến trúc phương Tây rộng hàng ngàn héc ta. Điều ấy cho thấy, văn hóa hiện đại đã và đang du nhập vào làng, lấn át giá trị cổ xưa của ngôi làng còn có tên là Kẻ Vẽ. Ngay cả tên gọi sau khi điều chỉnh địa giới hành chính cũng khác: Làng Đông Ngạc thuộc địa phận quận Bắc Từ Liêm, làng trở thành phường, xóm thành tổ dân phố.
Thực tế cho thấy, vài năm trước, Đông Ngạc còn hơn 100 nhà cổ có niên đại trên 100 năm, nhưng đến nay, chỉ còn khoảng 50 nhà. Những nhà còn giữ được thì đa số đã sửa chữa, gia cố, ít nhiều mất đi giá trị nguyên bản. Nhiều người tiếc di sản ông cha để lại, song cũng không biết khắc phục bằng cách nào. Và trước nhu cầu của cuộc sống, không ít gia đình chấp nhận bỏ đi cái gọi là giá trị văn hóa, để dấu xưa lu mờ trong nhịp sống phố thị đang len lỏi vào từng ngõ xóm. "Muốn giữ được làng cổ Đông Ngạc tất nhiên phải giữ được những nét cổ của làng như cây đa, giếng nước, đình làng, lễ hội, những món ăn, sinh hoạt văn hóa truyền thống… Vì thế, nét xưa mất dần đi là điều đáng lo ngại" - ông Lê Văn Lôn - Trưởng Tiểu ban quản lý di tích phường Đông Ngạc trăn trở.
Phải thừa nhận, di sản lớn nhất mà cha ông để lại cho làng Đông Ngạc là giá trị khoa bảng. Nơi đây có năm dòng họ lớn. Dòng họ nào cũng có người đỗ đại khoa, nhiều người trở thành danh nhân của dân tộc như: Phan Phu Tiêu, Đỗ Thế Giai, Phan Văn Trường, Hoàng Minh Giám… Làng Đông Ngạc có nhiều lễ hội truyền thống, tổ chức theo nghi thức cung đình trang trọng cùng văn hóa ẩm thực nổi tiếng một thời. Để giữ gìn những giá trị ấy, không thể phụ thuộc vào dòng họ, gia đình hay cá nhân mà các cơ quan quản lý phải chung vai gánh vác. Chính vì vậy, thời gian qua, Sở VHTT&DL Hà Nội cùng huyện Từ Liêm (cũ) và nay là quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành các bước xây dựng Đề án "Bảo tồn làng Khoa bảng Đông Ngạc" giai đoạn 2012 - 2020. Song bảo tồn như thế nào lại là bài toán suốt 10 năm nay chưa có lời giải.
Bài học nhãn tiền từ làng cổ Đường Lâm
Hơn 10 năm xây dựng, bà Nguyễn Thị Hòa - Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết: "Đề án qua 4 lần đổi tên cũng chỉ về những biến đối của thực tế di sản". Đặc biệt, sau mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển ở làng cổ Đường Lâm, những người xây dựng đề án loại trừ phương án xây dựng Đông Ngạc theo cách thức bảo tồn làng cổ. Ông Trần Thế Cương - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm khẳng định: "Không gian làng cổ Đông Ngạc không còn nguyên vẹn như mấy chục năm trước, cho nên, quận sẽ chọn bảo tồn giá trị làng khoa bảng làm điểm nhấn. Đó cũng là cách để tránh những mâu thuẫn tương tự như ở làng cổ Đường Lâm". Cho đến nay, đề án được thống nhất với tên gọi "Bảo tồn và phát huy giá trị làng Đông Ngạc".
Trong thời gian qua, làng Đông Ngạc đã được tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, chỉnh trang một số công trình hạ tầng phục vụ dân sinh, khôi phục các lễ hội truyền thống, giới thiệu về hệ thống di sản văn hóa đến các doanh nghiệp du lịch nhằm thu hút khách đến tham quan. Trong năm 2014, quận sẽ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cho một số di tích; đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về di sản họ đang sở hữu. Đối với hạ tầng phục vụ du lịch, quận dự kiến tìm mảnh đất rộng khoảng 4.000 - 6.000m2 trên địa bàn phường xây dựng điểm trung chuyển du lịch và tạo điều kiện thuận lợi triển khai đề án.
Để hoàn thành mục tiêu bảo tồn, trước mắt, quận sẽ thực hiện 4 nhiệm vụ: Tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ các giá trị; xếp hạng các di tích có giá trị để có cơ sở bảo tồn, tôn tạo; lập hồ sơ khoa học các hiện vật trong di tích; lấy ý kiến các nhà khoa học để tìm biện pháp bảo tồn trong tình hình mới. Sau khi rà soát, kiểm tra, nếu thấy bảo đảm các giá trị sẽ đề xuất công nhận danh hiệu Làng Khoa bảng Đông Ngạc.