“Nắng đã tắt chưa?” bà vẫn ngày ngày đứng chống gậy ở đầu ngõ buông một câu hỏi bâng quơ như thế mỗi khi nghe có tiếng bước chân người đang đến.
Ai đi qua cũng lắc đầu ngao ngán nghĩ bà già lẩm cẩm hơi đâu mà trả lời, bước chân người tự nhiên cũng nhanh hơn. Chẳng ai biết bà đang chờ đợi điều gì khi tuổi đã ngoài bảy mươi, khi mắt đã mờ đục sau một vòng đời mỏi mệt. Cũng chẳng ai biết bảy mươi năm cuộc đời vẽ cho bà một con đường gập ghềnh những đợi chờ mông lung. Vạt nắng trời chiều giờ đã tắt lịm sau lưng nhưng trong tim bà phải chăng nắng đã tắt tự bao giờ?
Khi bà mới vừa thai nghén trong bụng mẹ, cha đã bỏ mẹ con bà mà đi. Mẹ bà mười bảy tuổi ôm bụng bầu trở về căn nhà xiêu vẹo, chơ vơ trên cồn cát trắng xóa của bà ngoại. Ba con người, ba thế hệ nương tựa nhau mà sống. Năm bà bảy tuổi mẹ bỏ đi không một lời từ biệt để lại nỗi ám ảnh chờ đợi cứ bám theo đằng đẵng sau lưng bà. Nỗi đau quá khứ chưa kịp ngủ yên, cái chết đã khoét một hố sâu định mệnh lên cuộc đời bà trong một ngày tiễn người thân yêu nhất còn lại mãi mãi ra đi.
Mười lăm tuổi bà rời quê hương, rời bỏ mảnh đất lam lũ đã không níu giữ được những người thân yêu của bà. Bà quay lưng đi không một lần ngoái đầu nhìn lại. Thân gái trôi dạt nơi đất khách quê người những lúc quạnh quẽ chỉ mong có một bờ vai, một nơi chốn để nương thân. Hai mươi tuổi bà lấy một người đàn ông góa vợ rồi sinh liền năm người con. Cuộc đời tưởng thế đã yên nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, chồng bà đột ngột qua đời để lại bà với bầy con thơ dại.
Một mình gồng gánh nuôi con, cái nghèo, cái đói, cái khổ đặt từng vết chai sạn lên trái tim bà. Năm tháng qua đi các con bà cũng dần lớn lên, đứa nào cũng chọn con đường tha phương cầu thực. Mỗi lần tiễn con đi bà nghe lời chúng nói mà lòng đắng xót: “Nơi này cũng đâu phải là quê hương của chúng con khi nó cũng chỉ là đất khách của cha mẹ. Chỉ cần trong tim chúng con có mẹ, nơi nào cũng là cố hương”.
Bà bỗng nhận ra cả một đời lăn lộn cuối cùng bà vẫn không thể cho các con một ngôi nhà thực sự để mỗi khi mỏi mệt, cô đơn lạc lõng nơi xứ người chúng có thể quay đầu trở về. Còn trong tim bà nơi đâu mới là cố hương để nhớ về khi bóng hình người mẹ đã hóa tro bụi trong tâm trí bà từ lâu.
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau/Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”, bà vừa lẩm nhẩm đọc lại câu ca dao xưa cũ vừa chống gậy ra đầu ngõ. Đã đi hết gần cả cuộc đời bà mới dám quay đầu nhìn lại mà không tủi thân không căm hận người cha người mẹ đã từng bỏ bà mà đi. Có lẽ bởi sau một cuộc đời mỏi mệt khi dừng chân lại người ta mới mong muốn được trở về. Giờ đây niềm vui của bà là ngày ngày được đứng ở đó chờ trời chiều, chờ nắng tắt, chờ bước chân người vội vã đi qua.