399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Chị Ngọc Thảo (phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên) sau khi sinh con thứ 2 được gần một năm thì da mặt không còn căng trắng như trước mà bị chùng, nám nhiều. Đồng thời, cơ thể chị bị suy nhược khiến chức năng sinh lý bị ảnh hưởng. Nghe nhiều chị em rỉ tai, chị Thảo liên hệ với một địa chỉ mua sữa ong chúa tươi tại Hà Nội để vừa uống vừa thoa lên mặt dưỡng da với hi vọng kết quả được như nhiều người quảng cáo là trắng sáng da, chống lão hóa, cải thiện sinh lý. Tham khảo hết các trang web chuyên bán sản phẩm này, chị Thảo chia sẻ, khá hoang mang vì có quá nhiều nơi bán sữa ong chúa, mà không biết ở đâu bán hàng chuẩn. Các mức giá cũng khác nhau, rẻ nhất là 150.000 đồng/100g, rồi 200.000 - 250.000 - 270.000 đồng, cao nhất là 300.000 đồng/lọ 100g. "Giá chênh nhau nhiều và bên nào cũng nói sữa của họ mới là hàng chuẩn, hàng nguyên chất 100%. Nghe công dụng của sữa ong chúa thì mình biết là tốt nhưng bao nhiêu nhãn hàng với các mức giá trời ơi thế này quả thật không biết theo bên nào", chị Thảo bối rối chia sẻ. Sữa ong chúa tươi hiện được rao bán trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau, rẻ nhất là 150.000 đồng/lọ 100g. Nhờ tới người quen giới thiệu mua hàng tại một địa chỉ ở phố Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), chị Thảo phải chuyển khoản tiền trước và trả phí vận chuyển cho nhà xe từ Hà Nội đi Thái Nguyên, giá đội lên gấp rưỡi nhưng điều chị lo lắng nhất là người bán luôn dặn phải lấy hàng càng nhanh càng tốt vì sữa ong chúa tươi cần được bảo quản lạnh nếu không sẽ bị hỏng. Lọ sữa ong chị mua được lại không có nhãn mác, dựa hoàn toàn vào thông tin từ người quen nên chị vừa dùng vừa lo. Sức hút của mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng này mạnh tới nỗi trên rất nhiều diễn đàn mạng, facebook, các chị em bàn nhau sôi nổi hàng trăm cách sử dụng sữa ong chúa trong ăn uống hàng ngày và làm đẹp. Linh Anh (Sinh viên năm 2, ĐH Thương Mại Hà Nội) chia sẻ, nhờ đắp mặt sữa ong chúa thường xuyên mà cô bạn có làn da trắng hồng, đi nắng không cần che chắn. Thấy mọi người vào hỏi han nhiều, Linh Anh bắt mối mua buôn sữa ong chúa tại một địa chỉ ở Đà Lạt vận chuyển ra Hà Nội bán với giá 230.000 đồng/100g. Trung bình mỗi tháng, Linh Anh bán được gần 100 lọ, thu lãi khoảng 5 triệu đồng. Linh Anh cho biết, sản phẩm cô bán ra là của nhà tự đóng hộp, do bán lẻ số lượng ít nên không bỏ công làm nhãn nhưng phần lớn khách hàng mua rồi đều mua lại do tự cảm nhận chất lượng. Nhiều khách quen còn giới thiệu thêm khách mới nên càng ngày lượng khách đặt mua sữa ong chúa của Linh Anh càng đông, có thời điểm không đủ hàng bán cho khách. Mức giá khác nhau giữa các cửa hàng, do nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm. Sữa ong chúa là dịch tiết ra từ ong thợ để làm thức ăn nuôi ấu trùng ong chúa. Trong khi ong thợ chỉ sống được khoảng 6 tuần thì ong chúa sống được tới 5 năm. Đây đang được coi là "thần dược" giúp chống lão hóa, làm đẹp, tăng khả năng sinh lý và thụ thai ở phụ nữ. Ảnh: Internet. Chị Trang, chủ đại lý thương hiệu sữa ong chúa lớn của Lâm Đồng tại Hà Nội cho biết, nhà chị đã bán sữa ong chúa Lâm Đồng ở Hà Nội được 4 năm nay với giá 150.000 đồng/ lọ 100g, thấp nhất thị trường hiện nay. Chị Trang lý giải, giá bán thấp do hãng sữa ong chúa này chuyên chỉ nuôi ong mật để lấy sữa nên đạt sản lượng tốt hơn các trang trại nuôi ong lấy cả mật, sữa và những sản phẩm từ ong khác. Đồng thời, giữ mức giá thấp giúp nhà chị Trang duy trì lượng khách mua buôn, mua lẻ ổn định quanh năm. Hàng tháng, chị Trang bán buôn sữa ong chúa Lâm Đồng cho khách hàng ở nhiều tỉnh miền Bắc với số lượng 10 - 20kg/đơn hàng. Về bán lẻ, trung bình mỗi tháng nhà chị bán tại thị trường Hà Nội hơn 500 lọ. Chị Trang nhấn mạnh, giá bán rẻ không có nghĩa là chất lượng sữa kém hơn hoặc ngược lại, giá cao đồng nghĩa với sữa tốt mà phải xem quy trình nuôi ong lấy sữa, sản lượng, quy cách đóng gói và bảo quản sữa ong chúa như thế nào mới là yếu tố quyết định chất lượng và giá sữa bán ra. Nụ ong chúa giả các hộ nuôi ong tự chế nhằm kích thích ong thợ tiết dịch sữa nuôi ấu trùng ong chúa. Ở những trại nuôi ong chuyên lấy sữa có thể đạt sản lượng sữa ong chúa gấp 5 lần các trại nuôi ong lấy cả sữa và mật. Anh Trần Văn Dược, đại diện một thương hiệu mật ong, sữa ong chúa tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắc Lắk) cho biết, thông thường nếu nuôi ong lấy cả sữa, cả mật thì một tổ ong sẽ cho ra ít nhất 100g sữa ong chúa trong 1 tháng. Nhưng nếu người nuôi lấy chuyên về sữa, sản lượng sữa của 1 tổ ong có thể gấp 5 lần như vậy. Mức giá bán ra cũng vì thế mà khác nhau. Tuy nhiên, theo anh Dược, cả người nuôi ong lấy sữa, người bán và người mua đều nên quan tâm tìm hiểu kỹ cách bảo quản sữa ong chúa tươi bởi đây là yếu tố quyết định tới chất lượng và tác dụng của sản phẩm tới sức khỏe người tiêu dùng. “Hiện nhiều người không biết vẫn chỉ mua hàng theo cảm nhận cá nhân mà không quan tâm tới nguồn gốc sản phẩm nên dẫn tới việc sữa ong chúa được rao bán trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau, thậm chí đắt gấp mấy lần giá trị thực mà khách hàng vẫn sẵn sàng bỏ tiền mua vì nghĩ đây là mặt hàng quý hiếm”, anh nói. Anh Phạm Anh Đức, một chủ trại chuyên nuôi ong lấy mật tại Lâm Đồng cho biết, nếu nuôi ong chuyên lấy mật thì số lượng sữa thu hoạch được rất ít. Hiện trên thị trường sản phẩm sữa ong chúa cũng “thật giả lẫn lộn”, nhiều người bán để tăng số lượng và trọng lượng của sữa ong chúa kiếm lời thường pha thêm bột đậu nành hoặc say nhỏ ấu trùng chúa trộn vào sữa, khách ít kinh nghiệm rất khó phân biệt được. Anh Đức chia sẻ cách nhận biết sữa ong chúa tươi thật và hàng pha trộn. Theo đó, hàng xịn có thể để ở nhiệt độ thường trong 4 ngày mới bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng, vận chuyển trong thời gian 1 - 2 ngày hoàn toàn không ảnh hưởng tới chất lượng. Ngoài ra, sữa chúa nguyên chất ngậm vào sẽ có cảm giác hơi chua, vị lợ, tê tê đầu lưỡi. Còn hàng đã pha thêm tạp chất sẽ cho cảm giác lợn cợn và nhìn bằng mắt sẽ thấy sữa bị phân lớp, sữa không trắng hoặc vàng đều mà cớ các đốm màu lạ do sự phản ứng giữa các chất không tương đồng.