399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Để hiểu hơn về việc vì sao mua thịt heo trên những chiếc xe đẩy hàng ngoài đường lại nguy hiểm và mạo hiểm hơn trong chợ dù đã có giấy kiểm duyệt. Thật ra thì vấn đề là do có nhiều người vào chợ mua thịt heo để có giấy thông hành sau đó mới trà trộn thịt heo lậu vào để bán.
Một số người đến những chợ đầu mối để mua thịt chỉ với số lượng ít, sau đó có được giấy thông hành "thịt mua đã qua kiểm dịch" họ đem về trà trộn với những thịt lậu không được kiểm dịch bán cho người dân TP HCM.
Thịt heo đã qua kiểm dịch đang được phân phối.
Dịch bệnh vẫn đang hoành hành, những hộ chăn nuôi đang tiếp tục đối phó với nạn dịch. Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đang được siết chặt hơn bao giờ hết, từ những lò mổ cho đến các chợ đầu mối. Thế nhưng, vẫn còn những kẽ hở để heo bệnh có thể chui lọt…
Nhộn nhịp buổi chợ đêm
Chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối thịt heo Phạm Văn Hai lúc đồng hồ vừa điểm 1h, đây cũng là một trong những chợ có số lượng thịt được phân phối lớn nhất nhì của TP Hồ Chí Minh.
Lúc này, xe tải ra vào tấp nập phía trước và bên hông chợ để chờ kiểm duyệt và xuống hàng. Mùi tanh từ máu và mỡ thịt heo đã xộc lên tận mũi. Thấp thoáng, bóng của những người cán bộ thú y trong áo blouse trắng đang cẩn thận kiểm tra ghi chép số lượng thịt được nhập vào chợ.
Những người khuân vác thịt mặc tạp dề bằng vải nilon đang nhanh nhẹn khuân từng mảng thịt to ứng với mỗi con heo được xẻ làm đôi. Cứ thế, lần lượt hàng ở những xe được xuống và không bị bỏ sót bởi lực lượng thú y luôn đứng túc trực.
Sinh hoạt về đêm của chợ nhộn nhịp không kém gì ban ngày, những hộ bán lẻ cũng đã bắt đầu đi săn hàng. Dạo một vòng quanh chợ, những âm thanh ồn ào, tiếng mài dao lẻng xẻng cùng những tiếng chặt thịt át cả tiếng người.
Bên ngoài, những chiếc xe gắn máy, phía sau được gắn thêm cái thùng của những người bán lẻ cũng đã xuất hiện để mua thịt mang về. Đến với chợ trong mùa dịch, có thể thấy được tâm lý những người đi mua hàng có phần xét nét và kỹ càng hơn.
Đến chợ để hợp thức hóa thịt chưa kiểm duyệt
Bên ngoài chợ, câu chuyện về heo bệnh dịch diễn ra không kém phần nhộn nhịp. Cánh đàn ông ngồi uống cà phê buôn chuyện trong khi đợi người thân đi mua hàng.
Được biết, trước kia khi heo chưa có đợt dịch bệnh như vừa qua, những người bán dạo vẫn có thể sống khỏe bởi những chiếc xe đẩy hàng. Sau khi có công bố dịch ở những tỉnh lân cận, người mua hàng đang tẩy chay những người bán dạo.
Người bán tên Bình trạc ngoài 30 tuổi, bán lẻ ở quận Thủ Đức tâm sự: "Khi còn đi bán dạo, thịt đẩy đi bán ở ngoài đường tiêu thụ nhiều hơn, nhưng mấy tuần này, tôi phải chuyển về gần nhà, thuê sạp nhỏ trong chợ để tiếp tục bán vì người mua bị ảnh hưởng tâm lý và hầu như không dám mua do sợ mua phải thịt bị bệnh".
Không chỉ những người bán lẻ mà ngay cả chợ đầu mối cũng bị ảnh hưởng trong mùa dịch này. Hằng ngày, so với trước mỗi ngày tiêu thụ hơn 3 ngàn con, tuy nhiên khi dịch bệnh xảy ra, chợ chỉ tiêu thụ được khoảng 2,5 ngàn con mỗi ngày.
Theo ông Nguyễn Xuân Trang, Trưởng ban Quản lý chợ Phạm Văn Hai cho biết: "Lực lượng Chi cục Thú y và Ban Quản lý chợ luôn cảnh giác, phối hợp chặt chẽ để không xảy ra trường hợp thịt chưa kiểm duyệt lọt vào chợ".
Qua tìm hiểu, được biết một số người đến những chợ đầu mối để mua thịt chỉ với số lượng ít, sau đó có được giấy thông hành "thịt mua đã qua kiểm dịch" họ đem về trà trộn với những thịt lậu không được kiểm dịch. Nguyên nhân cũng bởi giá cả chênh lệch nhau vài ngàn đồng giữa thịt đã kiểm dịch và thịt lậu.
Cũng cần phải nhắc lại, theo báo cáo của Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, tại một số khu vực như Gò Vấp, Bình Chánh và Hóc Môn, tình trạng giết mổ trái phép vẫn luôn diễn ra. Vì vậy, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong mùa dịch, đảm bảo sức khỏe người dân luôn cần phải được đề cao và cảnh giác